Mỗi khi ra một cửa hàng đồ uống để ngắm cảnh, check in hay tụ tập bạn bè, bạn lại thấy những nhân viên cửa hàng tất bật pha đồ, order, chạy đi chạy lại. Bạn nghĩ gì về họ? Và liệu họ nghĩ gì về công việc của mình?
TÓM TẮT NỘI DUNG
Nghề pha chế trước kia…
Cách đây khoảng chục năm, khi những mô hình take away,
trà sữa còn chưa phát triển, ấn tượng của tôi với hầu hết các quán café đều khá
mờ nhạt.
Đơn giản vì các quán café khi đó đều là các quán café theo kiểu truyền thống, phục vụ các đồ uống khá đơn giản như café đen/nâu, trà lipton kèm ít đồ ăn vặt (hướng dương, bỏng ngô…). Khách hàng đến, gọi một cốc cà phê đơn giản, nhâm nhi và ngắm đường phố. Không có những thứ bây giờ vẫn là “gia vị chính” của những “phốt” trên mạng xã hội: thái độ nhân viên, wifi chập chờn hay trà sữa có gián…

Khi đó, có 2 thứ quyết định đến lượng khách: nguyên liệu café ngon, và cái “chất quen” của quán. Đồ uống không phụ thuộc quá nhiều vào tay nghề của pha chế, cũng như sự có mặt của quản lý quán là hạn chế khi chủ quán nhiều khi là người pha chế luôn. Bản thân các đồ uống cũng không có gì đặc sắc về vẻ bề ngoài.
Vì vậy, những người làm trong các cửa hàng này, họ không coi đây là một nghề đích thực. Hoặc một công việc thời vụ, hoặc một nơi để kiếm thêm chút thu nhập khi rảnh rỗi ở “chỗ người quen”.
…và nghề pha chế bây giờ
Qua một vài năm, thời điểm những quán café take away, trà sữa nở rộ cũng là lúc các bạn trẻ tìm đến công việc pha chế nhiều hơn. Nhiều loại đồ uống mới xuất hiện, yêu cầu người pha chế phải có tay nghề tốt và qua rèn luyện mới có thể thực hiện được: đổ latte, vẽ cappuccino, đồ uống phân tầng hay xịt kem… Khách hàng cũng coi trọng vẻ ngoài hơn, ưa thích các quán café có quầy bar mở để có thể nhìn khâu pha chế của quán.

Thu nhập của pha chế cũng đã được tăng lên so với trước
đây. Theo khảo sát, mức lương pha chế của các quán café tại Hà Nội đã tăng
20-30% so với trước đây.
- Đã có nhiều người đam mê hơn, muốn thực sự coi
nghề này vừa là cần câu cơm, vừa là đam mê của bản thân, muốn tham gia những hội
nhóm, cuộc thi dành cho người yêu thích. - Đã có nhiều hơn các đất diễn cho những người
theo nghề pha chế: các cuộc thi tay nghề, thi biểu diễn quy mô tỉnh, đất nước
và thế giới. Nghề pha chế đã dần dần có chỗ đứng hơn.
“Nghề bưng bê” của xã hội?
Dù vậy, nhìn chung xã hội hiện tại, đặc biệt ở Việt Nam vẫn chưa coi trọng công việc pha chế. Những người lớn tuổi vẫn coi đây là một công việc “bưng bê”, một từ mang tính miệt thị.
Cũng dễ hiểu, vì thời kỳ của họ là thời kỳ của những
công việc nặng nhọc, có một công việc “ngồi bàn giấy” sẽ được coi là “cán bộ”, là
“người trên”. Và cũng với tâm lý muốn thế hệ sau được nhàn hạ, họ không muốn
con mình phải là người làm nghề đi phục vụ người khác.
Có thể nào thay đổi điều này không?
Tin buồn là không. Nhưng tin vui là có! Bạn không thể
thay đổi nếp nghĩ của những người lớn tuổi được đâu, vì định kiến của họ đã hằn
sâu sau nhiều năm. Nhưng bạn có thể dần dần làm nó biến mất ở những thế hệ sau,
với chính những suy nghĩ tích cực của mình: nghề nào cũng là nghề, chỉ cần kiếm
ra tiền chân chính, nó sẽ luôn được coi trọng!
Bất kỳ ai cũng phải làm khách hàng trong một thời điểm
nào đó: khách của hàng ăn, khách của tiệm giặt, khách của dịch vụ vận chuyển…
và nếu không có những con người nhất định “chịu” phục vụ bạn với những công việc
chân tay, bạn nghĩ xem bạn còn sống được không?
Xã hội phát triển luôn đi kèm với sự phân công lao động,
luôn có những công việc khác nhau luôn cần người đảm nhiệm. Vì thế tốt nhất hãy
nên đối xử công bằng với tất cả những nghề chân chính.
Cả trong hành động, cũng như tâm tưởng!